Các chuyên gia cho rằng người dân trước khi tự test nhanh cần được tập huấn kỹ cách lấy mẫu, thực hiện thao tác đúng hướng dẫn trên bộ test, quẹt que đủ độ sâu, thời gian quẹt đảm bảo 5-10 giây.
Tại cuộc họp với Sở chỉ huy phòng chống Covid-19 Hà Nội sáng 4/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Hà Nội cần triển khai ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh để lực lượng y tế chi viện cho các khu phong tỏa, cách ly, điều trị, tiếp nhận F0.
Chia sẻ với VnExpress trong buổi phỏng vấn trực tuyến tối 4/8, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, cho biết kỹ thuật lấy mẫu test nhanh thế nào cho chuẩn xác, các hãng sản xuất đều có hướng dẫn cụ thể ghi trên bộ kit test. Người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thực hiện đúng theo như vậy sẽ đem lại kết quả tối ưu.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bộ kit test gồm que lấy mẫu, dụng cụ đựng, mẫu dịch thử.
Trên que lấy mẫu, bạn sẽ thấy có một khấc màu đỏ. Đưa que lấy mẫu vào mũi đủ sâu tức là bạn cần đưa qua khấc này. Bạn ngửa cổ ra, đưa que vào mũi một cách từ từ, khi đụng đến vùng tỵ hầu thì xoay nhẹ một lúc, rồi kéo ra một cách nhẹ nhàng, vậy là xong. Cho que lấy mẫu vào dụng cụ theo hướng dẫn, sau đó nhỏ giọt mẫu dịch mũi vào bộ kit test nhanh, kết quả hiện “hai vạch”, tức là dấu hiệu dương tính.
Nếu test nhanh âm tính, có 4 khả năng. Thứ nhất là bạn không mắc Covid-19, thứ hai là cơ thể đang ủ bệnh. Thứ ba là có thể bạn mới mắc bệnh nên tải lượng virus còn thấp, test nhanh không tìm thấy. Thứ 4 là bạn đã bị mắc bệnh trước đó nhưng không biết, hiện cơ thể sắp hết virus nên tải lượng virus thấp, test nhanh không tìm thấy.
“Vì vậy, khi test nhanh âm tính vẫn chưa chắc mình an toàn, ba ngày sau cần làm lại. Nếu 15 ngày sau vẫn cho kết quả âm tính thì tương đối an toàn, bạn cần thực hiện tốt biện pháp 5K để phòng tránh Covid-19″, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Bác sĩ Tiến nhắc nhở điều quan trọng nhất cần lưu ý là khi dùng que lấy dịch bệnh phẩm, que phải đưa đủ sâu, vùng đầu của que đụng vào tỵ hầu và quẹt đủ 10 giây. Nếu chỉ quẹt khoảng 2-3 giây thì có thể kết quả sẽ ra sai.
Trong gia đình nếu người già không tự lấy được mẫu thì người khác có thể hỗ trợ. Người lấy mẫu cần đeo khẩu trang N95 là tốt nhất, đeo kính chống giọt b.ắn, đeo găng tay, rửa tay khử khuẩn trước và sau khi thực hiện lấy mẫu.
Các bác sĩ khuyến cáo test nhanh dương tính thì không chắc chắn đã mắc Covid-19 , cần bình tĩnh xử trí phù hợp. Với một người có tiếp xúc dịch tễ hoặc có triệu chứng, kết quả test nhanh dương tính nCoV thì khả năng xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR sẽ dương tính. Tuy nhiên, có những trường hợp test nhanh dương nhưng PCR âm tính. Vậy nên, về nguyên tắc, người dân test nhanh tại nhà, khi có kết quả cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia y tế để có hướng giải quyết thích hợp.
Trong thời gian đó, bạn nên tự cách ly tại nhà, cách ly thành viên còn lại, thường xuyên theo dõi dấu hiệu bản thân như sốt, cần có cặp nhiệt độ đo từ 2- 3 lần để xem mình có sốt không, kẹp ở nách nếu 38,5 độ là sốt. Trường hợp bạn triệu chứng thông thường như sốt, ho, mất khứu giác, vị giác, mệt mỏi… cần nhanh chóng thông báo đến nhân viên y tế theo quy trình và cần có hệ thống y tế phường xã, quận huyện tuyến tỉnh thành phố để hỗ trợ có tổ chức, đ.ánh giá, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Một chuyên gia Bộ Y tế cho biết, trong trường hợp khi Hà Nội có kế hoạch triển khai cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh, Cục Y tế dự phòng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để người dân thực hiện .
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng cho rằng người dân tự xét nghiệm nhanh cần phải được hướng dẫn cụ thể, tập huấn kỹ càng, đầy đủ, để việc lấy mẫu hiệu quả. Các chuyên gia đ.ánh giá, nếu người dân tự test kết quả âm tính sẽ dẫn đến mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Trong khi thực tế kết quả đó có thể là dương tính, nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Bài Viết Liên Quan
- 7 loại bệnh cúm bạn cần phân biệt
- Đề phòng bệnh trĩ tái phát
- Từ vụ VN Pharma: Hậu quả khi dùng thuốc giả, thuốc kém chất lượng
Test nhanh kháng nguyên tại cộng đồng. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM.
Việc thí điểm cho người dân tự test nhanh Covid-19 đã từng được áp dụng ở Bắc Giang, sau đó là TP HCM, nhằm ứng phó tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cuối tháng 5, Bắc Giang là địa phương đầu tiên cả nước thí điểm hướng dẫn người dân trong khu cách ly tập trung tự lấy mẫu test nhanh cho nhau, nhằm giải quyết bài toán do thiếu hụt về nhân lực y tế. Giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai ngày 27/5, chia sẻ phương thức test nhanh nếu thực hiện chuẩn, đầy đủ các bước theo hướng dẫn, kết quả có độ chính xác 70-75% chỉ sau 15 phút kể từ thời điểm lấy mẫu.
Tại TP HCM, ngày 20/7, khoảng 100 người dân chung cư phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, tự lấy mẫu thực hiện test nhanh nCoV. Nếu hiệu quả, cách làm này sẽ triển khai rộng rãi trên toàn TP Thủ Đức. Người dân sẽ được nhân viên y tế cung cấp kit test nhanh tự thực hiện tại nhà.
Test nhanh kháng nguyên là xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện sự hiện diện kháng nguyên virus Covid-19 có trong mẫu dịch đường hô hấp. Đây là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, có kết quả chỉ sau 15-30 phút, cho phép nhanh chóng phát hiện người nhiễm bệnh. Những trường hợp có kết quả dương tính được cách ly riêng ngay và xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.
Test nhanh kháng nguyên có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm, nhưng khả năng chính xác không bằng phương pháp RT-PCR. Ngược lại, RT-PCR độ chính xác rất cao, là kết quả khẳng định, nhưng cần 4 đến 6 giờ mới có kết quả. Phương pháp test nhanh không phải là xét nghiệm khẳng định nhưng góp phần hỗ trợ nhanh trong việc giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ.
Sốt kèm ho hoặc đau họng là dấu hiệu nghi nhiễm nCoV
Người được xem là nghi nhiễm khi có ít nhất hai trong số các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở…; F1 được phân hai loại là tiếp xúc F0 có triệu chứng và không có triệu chứng.
Đây là hướng dẫn mới của Bộ Y tế , ngày 1/8. So với các hướng dẫn trước, lần này một số định nghĩa liên quan đến Covid-19 được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:
Ca nghi ngờ
Người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, xem như nghi nhiễm. Trường hợp thứ 2 là người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với nCoV qua test nhanh.
Hà Nội những ngày qua lấy mẫu xét nghiệm người bị ho sốt dù không có yếu tố dịch tễ, đã phát hiện hơn 50 ca tại cộng đồng và 269 ca lây nhiễm thứ phát.
Trước đó, trong phác đồ chẩn đoán và điều trị lần 6 của Bộ Y tế cập nhật vào ngày 14/7, quy định ca bệnh nghi ngờ là chỉ cần có sốt kèm (hoặc) viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được nguyên nhân, có t.iền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ, ổ dịch hoặc tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ hoặc F0 đã được xác định mắc Covid-19 trong 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
Ca bệnh là F0 đã xác định
Trong phác đồ cập nhật lần 5, Bộ Y tế từng quy định F0 bao gồm cả trường hợp nghi ngờ và trường hợp có xét nghiệm RT-PCR dương tính. Tuy nhiên, phác đồ lần 6 đã bỏ nội dung đầu.
Lần này, trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế bổ sung thêm trường hợp F0 có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính tại các cơ sở xét nghiệm khẳng định được Bộ cấp phép.
Người tiếp xúc gần (F1)
Trước đây, F1 là người tiếp xúc gần trong vòng hai mét với người nhiễm, thời gian tính từ ba ngày trước khi người nhiễm khởi phát bệnh đến lúc cách ly.
Hướng dẫn mới, F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng hai mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0. Cụ thể:
– Trường hợp tiếp xúc gần với F0 có triệu chứng: Tiếp xúc trong khoảng thời gian từ ba ngày trước khi khởi phát của F0 cho đến khi F0 được cách ly y tế. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng sau: mệt mỏi; chán ăn; đau người; gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng…
– Trường hợp tiếp xúc gần với F0 không có triệu chứng : Nếu F0 đã xác định được nguồn lây, trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây cho đến khi F0 được cách ly y tế. Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây, trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.
Bộ Y tế bổ sung thêm một số nhóm người tiếp xúc gần thường gặp gồm: Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng; Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định; Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc; Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông,…
Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2)
Là người tiếp xúc gần trong vòng hai mét với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế thay vì chỉ tính ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với người nhiễm đến khi F1 cách ly y tế.
Nhóm này được cách ly tại nhà trong khi chờ kết quả xét nghiệm RT- PCR của F1. Nếu kết quả xét nghiệm lần 1 của F1 dương tính thì chuyển cấp cách ly F2 lên thành F1. Nếu kết quả xét nghiệm lần 1 của F1 và của F2 (nếu có) đều âm tính, F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế và Tổ Covid cộng đồng.
Ngoài ra, Bộ Y tế phân loại 4 nhóm nguy cơ người nhiễm nCoV, gồm nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao, tương ứng các màu xanh, vàng, cam, đỏ để điều trị, chăm sóc và hỗ trợ phù hợp. Trong đó, nhóm màu xanh là mức nguy cơ thấp, màu vàng là nguy cơ trung bình, màu cam là nguy cơ cao và màu đỏ và nguy cơ rất cao.
Nhân viên điểm danh công nhân từ Bắc Giang về Hà Nội, ngày 15/6. Ảnh: Giang Huy.