Các loại thuốc có nguy cơ gây hạ huyết áp thế đứng

Các loại thuốc có nguy cơ gây hạ huyết áp thế đứng

Hạ huyết áp thế đứng là tác dụng phụ phổ biến của một số loại thuốc. Hạ huyết áp thế đứng làm giảm lưu lượng máu não, có liên quan đến té ngã, đột quỵ, suy giảm nhận thức và tăng tỷ lệ tử vong…


1. Hạ huyết áp thế đứng là gì?

Hạ huyết áp thế đứng (hạ huyết áp tư thế) là bị giảm huyết áp khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm, có thể dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu…

Ước tính hạ huyết áp tư thế ảnh hưởng từ 30% đến 70% người lớn tuổi và thường liên quan đến việc sử dụng thuốc.

Quá trình chuyển đổi sinh lý từ tư thế nằm sang tư thế thẳng đứng liên quan đến sự phân phối lại thể tích nội mạch, gây ra sự giảm thoáng qua hồi lưu tĩnh mạch, cung lượng tim và huyết áp. Trong phản ứng bình thường, kích hoạt phản xạ điều hòa huyết áp dẫn đến kích thích hệ giao cảm, làm tăng nhịp tim, hồi lưu tĩnh mạch, co bóp cơ tim và trương lực mạch, cuối cùng phục hồi huyết áp trong vài giây.

Hạ huyết áp do thuốc gây ra có thể làm suy yếu các cơ chế trong quá trình này.

Ước tính có khoảng 50% các trường hợp hạ huyết áp thế đứng liên quan đến thuốc.

Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng, hạ huyết áp thế đứng là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây tử vong liên quan đến mạch máu, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, cơn thiếu máu não thoáng qua, té ngã và gãy xương. huyết áp thế đứng cũng có liên quan đến tỷ lệ tử vong gia tăng.

Như vậy, hạ huyết áp thế đứng có liên quan đến những rủi ro nghiêm trọng ở người lớn tuổi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Ước tính có khoảng 50% các trường hợp hạ huyết áp thế đứng liên quan đến thuốc gây bệnh. Do đó, việc sử dụng các loại thuốc có khả năng gây hạ huyết áp thế đứng nên được đánh giá cẩn thận ở những bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt là những người mắc các bệnh đồng thời có thể gây hạ huyết áp thế đứng, như suy tim , thể tích nội mạch thấp hoặc giãn mạch.

Những bệnh nhân sử dụng nhiều thuốc có thể có nguy cơ cao nhất bị hạ huyết áp tư thế do thuốc. Mức độ ảnh hưởng của thuốc đến huyết áp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng, và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

2. Các loại thuốc gây hạ huyết áp thế đứng

Có nhiều loại thuốc có tác dụng phụ gây hạ huyết áp thế đứng, phổ biến là:

  • Thuốc huyết áp : Tăng huyết áp ảnh hưởng đến 2/3 bệnh nhân cao tuổi. Hạ huyết áp thế đứng là một tác dụng phụ có thể gặp của hầu hết các loại thuốc hiện đang được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, phổ biến là thuốc chẹn alpha (liều đầu tiên), thuốc chẹn adrenergic và thuốc tác dụng trung ương…
  • Thuốc tim mạch : Thuốc tim mạch có liên quan đến hạ huyết áp bao gồm thuốc chủ vận dopamin, thuốc chống đau thắt ngực và thuốc chống loạn nhịp…
  • Thuốc trầm cảm : Các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh tâm thần đều có liên quan đến tỷ lệ hạ huyết áp thế đứng đáng kể, bao gồm phenothiazin, thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc ức chế monoamine oxidase.
  • Thuốc giảm đau : Một số loại thuốc giảm đau như opioid, thuốc NSAIDs cũng có thể làm giảm huyết áp .
  • Thuốc đái tháo đường : Một số loại thuốc như insulin và sulfonylureas có thể làm giảm huyết áp.
Nếu lo ngại về tác dụng phụ của thuốc lên huyết áp, hãy tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được tư vấn về cách sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả.

3. Làm gì để phòng ngừa hạ huyết áp thế đứng do thuốc?

Thực hiện các biện pháp dưới đây có thể phòng ngừa hạ huyết áp thế đứng do thuốc:

– Duy trì lượng nước uống đầy đủ để ngăn ngừa mất nước và cải thiện các triệu chứng hạ huyết áp thế đứng. Khuyến nghị thông thường là uống từ 2,0 đến 2,5 lít chất lỏng trong ngày, đồng thời tránh uống một giờ trước khi đi ngủ để giảm thiểu việc đi vệ sinh vào ban đêm.

– Không đứng dậy đột ngột, chuyển đổi tư thế từ từ…

– Thực hiện các động tác co cơ chi dưới trong 2 phút trước khi đứng dậy.

– Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là thể dục nhịp điệu dưới nước.

– Kê cao đầu giường. Khi bệnh nhân nằm trên giường, đầu nên được nâng cao từ 10° đến 20°…

Ds. Phạm Thu Quế

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *