Trong quá trình nội soi bác sĩ phát hiện thấy lòng khí quản có hình ảnh dị vật, di chuyển lên xuống, có hình ảnh tổn thương 1/3 trên khí quản nghi giả mạc.
Ngày 24/4, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết đã thực hiện gắp thành công một dị vật đường thở là vỏ hạt hướng dương trong khí quản, gây viêm phổi kéo dài cho bệnh nhi nhỏ tuổi.
Êkip đã thành công gắp dị vật là vỏ hạt hướng dương kích thước khoảng 2 cm.
Theo đó, bệnh nhi H.T.L (34 tháng tuổi, Quỳnh Lưu) được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng viêm phổi, đã điều trị tuyến dưới 2 đợt hơn 20 ngày nhưng không thuyên giảm.
Qua khai thác tiền sử, thăm khám lâm sàng trực tiếp, các bác sĩ khoa Hô hấp nhận định đây là một trường hợp viêm phổi tái diễn, ho khò khè kéo dài đủ tiêu chuẩn nội soi phế quản ống mềm.
Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, kíp soi gồm bác sĩ khoa Hô hấp, khoa Tai Mũi Họng phối hợp với khoa Gây mê đã tiến hành nội soi phế quản ống mềm. Trong quá trình nội soi phát hiện thấy lòng khí quản có hình ảnh dị vật, di chuyển lên xuống trong lòng khí quản, có hình ảnh tổn thương 1/3 trên khí quản nghi giả mạc.
Vỏ hạt hướng dương trong khí quản, gây viêm phổi kéo dài cho bệnh nhi nhỏ tuổi.
Việc mắc dị vật dài ngày gây viêm phổi và tổ chức giả mạc che lấp dị vật, khiến việc tiếp cận lấy dị vật rất khó khăn. Ngay lập tức, êkip nội soi hội chẩn với các bác sĩ khoa Tai mũi họng tiến hành gắp dị vật. Êkip đã thành công gắp dị vật là vỏ hạt hướng dương kích thước khoảng 2 cm. Sau khi gắp dị vật – nguyên nhân chính dẫn tới trạng viêm phổi, trẻ đã dần dần ổn định sức khỏe.
Các bác sĩ khoa Hô hấp cho biết, các nguyên nhân khiến trẻ bị dị vật đường thở (DVĐT) như: Trẻ khóc, cười đùa trong khi ăn uống; thói quen ngậm đồ vật, thức ăn trong khi chơi đùa; do rối loạn phản xạ họng, thanh quản ở trẻ em…
Về bản chất tất cả các vật nhỏ cho vào miệng được đều có thể rơi vào đường thở, có thể gặp các dị vật hữu cơ như: hạt lạc, hạt na, cùi táo, bã mía…; các loại xương thịt động vật như: đầu tôm, mang cá, càng cua, xương gà, vịt, con đỉa…; hoặc cũng có thể gặp các dị vật vô cơ như viên bi, mảnh đạn, đuôi bút bi, mảnh nhựa.
Trên lâm sàng, biểu hiện của DVĐT bằng cơn ho sặc sụa, tím tái, vã mồ hôi, trợn mắt mũi, đôi khi đại tiểu tiện không tự chủ, cơn kéo dài khoảng 3 – 5 phút… Hội chứng này có thể khai thác được ở 93% số bệnh nhân, còn 7% không khai thác được hội chứng xâm nhập.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi nghi ngờ hóc sặc dị vật thì gia đình nên đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để có chẩn đoán và xử trí chính xác, kịp thời; tránh những thao tác sơ cứu không đúng có thể vô tình đẩy dị vật sâu hơn, khiến tình trạng của trẻ trở nên nguy hiểm hơn.