Người dân TP.HCM cần tăng cường đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, khi tiếp xúc với người có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 và những nơi bắt buộc đeo khẩu trang theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ký văn bản khẩn chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 – 1/5 .
Lãnh đạo TP chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông về tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng Covid-19, thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và các biện pháp phòng chống dịch hiện hành.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh thông điệp tăng cường đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người, khi tiếp xúc với người có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 và những nơi bắt buộc đeo khẩu trang theo quy định của Bộ Y tế.
Người dân nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong bối cảnh số ca Covid-19 tăng trở lại ở một số địa phương. Ảnh: Hoàng Hà
Theo quy định hiện nay, Bộ Y tế khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Bắt buộc đeo khẩu trang đối với các đối tượng: Người có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 ; Các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc 4.
Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng: Bắt buộc đeo khẩu trang với hành khách, người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng, nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc trực tiếp với hành khách.
Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối: Bắt buộc đeo khẩu trang với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay): Bắt buộc đeo khẩu trang với nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người, nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang với người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Các quận, huyện, TP Thủ Đức đánh giá cấp độ dịch hàng tuần
Theo văn bản khẩn, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế tổ chức các điểm tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoạt động xuyên suốt kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 – 1/5. Trong đó, đảm bảo mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức duy trì ít nhất 2 điểm tiêm; các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 đối với người thuộc nhóm nguy cơ hoặc người chưa tiêm đủ liều khi đến khám chữa bệnh.
Chỉ đạo các bệnh viện chủ động rà soát các nguồn lực, khôi phục lại hoạt động của đơn vị khoa điều trị Covid-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ; bố trí nhân lực, dự trù thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp.
Giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và các bệnh viện được phân công chuẩn bị phương án sẵn sàng để vận hành Bệnh viện Dã chiến số 13 trong vòng 24 giờ sau khi được kích hoạt theo kịch bản.
UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 xuyên kỳ nghỉ lễ.
Vận động, thuyết phục người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều, đến tiêm vắc xin đầy đủ; tổ chức đội tiêm lưu động đến tận nhà tiêm cho người thuộc nhóm nguy cơ nhưng không di chuyển được.
Thực hiện đánh giá cấp độ dịch định kỳ hằng tuần, xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tính đến chiều ngày 26/4, TP.HCM có 311 ca Covid-19 đang điều trị, 102 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp. Theo phân tích, khoảng 86% bệnh nhân Covid-19 của TP nhập viện đều có bệnh nền. Số lượng ca mắc mới vẫn có xu hướng tăng nhẹ.