Gần 40% người trưởng thành đối phó với rối loạn tiêu hóa chức năng, theo HCPLive.
Điều đó có thể bao gồm chứng ợ nóng và trào ngược axit gây đầy hơi hoặc thậm chí là hội chứng ruột kích thích.
GI Alliance cũng lưu ý rằng 20 triệu người ở Mỹ phải đối mặt với các bệnh tiêu hóa mạn tính trong khi đây cũng là nguyên nhân số 1 khiến người bệnh phải nhập viện, theo Eat This, Not That!
May mắn thay, một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng ăn vài hạt hạnh nhân mỗi ngày có thể giúp cải thiện sức khỏe đường ruột của bạn.
Ăn hạnh nhân làm tăng lượng axit béo không bão hòa đơn, chất xơ và kali, cũng như các chất dinh dưỡng bổ sung. Ảnh SHUTTERSTOCK
Được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học King’s College London (Anh), nghiên cứu này được xuất bản trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ. Tham gia vào nghiên cứu là 87 người trưởng thành, những người có chế độ ăn uống thông thường không bao gồm đủ lượng chất xơ nhưng bao gồm đồ ăn nhẹ không lành mạnh như sô cô la hoặc khoai tây chiên.
Sau khi chia những người tham gia thành ba nhóm, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu một nhóm từ bỏ đồ ăn nhẹ bình thường và thay vào đó ăn 56 gram hạnh nhân nguyên hạt mỗi ngày trong tổng số 4 tuần.
Nhóm thứ hai chuyển đồ ăn nhẹ của họ sang cùng một lượng hạnh nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng là loại hạt hạnh nhân xay thay vì nguyên hạt.
Cuối cùng, nhóm thứ ba không hoán đổi hạnh nhân vào chế độ ăn uống của họ mà chuyển sang bánh nướng xốp.
Sau khoảng thời gian kéo dài một tháng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia đã chuyển sang bữa ăn nhẹ hạnh nhân hằng ngày thuộc một trong hai loại có lượng butyrate cao hơn những người đang ăn bánh nướng xốp.
Họ cũng phát hiện ra rằng ăn hạnh nhân làm tăng lượng axit béo không bão hòa đơn, chất xơ và kali, cũng như các chất dinh dưỡng bổ sung.
“Một phần của cách mà hệ vi sinh vật đường ruột tác động đến sức khỏe con người là thông qua việc sản xuất các axit béo chuỗi ngắn, chẳng hạn như butyrate.
Các phân tử này hoạt động như một nguồn nhiên liệu cho các tế bào trong ruột kết, chúng điều chỉnh sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác trong ruột và giúp cân bằng hệ thống miễn dịch”, tác giả chính, giáo sư Kevin Whelan, Trưởng khoa Khoa học Dinh dưỡng tại Đại học King’s College London, cho biết trong một thông cáo báo chí.
“Chúng tôi nghĩ rằng những phát hiện này cho thấy tiêu thụ hạnh nhân có thể có lợi cho sự trao đổi chất của vi khuẩn theo cách có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, giáo sư Whelan cho biết thêm.
“Những phát hiện từ nghiên cứu này không gây ngạc nhiên khi so sánh lượng ăn hạnh nhân với lượng bánh muffin (tùy thuộc vào loại bánh muffin), bởi vì hạnh nhân chứa nhiều chất xơ hơn”, Paulina Lee, chuyên gia dinh dưỡng chức năng về sức khỏe đường ruột và là người sáng lập Savvy Stummy, LLC, nói với Eat This, Not That!
Hạnh nhân không phải là thứ duy nhất
Những loại thực phẩm prebiotic. Ảnh SHUTTERSTOCK
“Chất xơ là nhiên liệu chính để men vi sinh hoặc vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh của chúng ta sử dụng, để chúng có thể tạo ra các chất chuyển hóa, như serotonin và butyrate” chuyên gia dinh dưỡng Lee cho biết, và lưu ý “Hạnh nhân không phải là thứ duy nhất để có thêm butyrate”.
“Ăn 30 loại rau khác nhau, bao gồm bơ, các loại đậu hoặc các loại thực phẩm prebiotic khác mỗi tuần – và bao gồm cả thực phẩm lên men, như kim chi và dưa cải bắp – có thể giúp bạn xây dựng các vi khuẩn đường ruột đa dạng. Vì vậy, chúng có thể tạo ra nhiều butyrate hơn và các chất chuyển hóa có lợi khác cho cơ thể chúng ta”, chuyên gia dinh dưỡng Lee khuyên, theo Eat This, Not That!
Lợi ích protein đáng ngạc nhiên từ cá hồi
Cá hồi là loại thực phẩm có trong nhiều chế độ ăn lành mạnh. Điều này chủ yếu là do hàm lượng dinh dưỡng dồi dào trong cá hồi, đặc biệt là protein.
Cá hồi là một trong những loại cá béo phổ biến nhất. Chúng có hương vị thơm ngon, dễ tìm, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Cá hồi không chỉ chứa nhiều axit béo omega-3 mà còn rất giàu protein. Ảnh SHUTTERSTOCK
Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy ăn cá hồi thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Một trong những dưỡng chất có lợi nhất của cá hồi là omega-3. Loại axit béo này có thể giúp cải thiện sức khỏe xương, mắt, não và tăng cường tâm trạng.
Cá hồi còn được mệnh danh là nữ hoàng của các loại cá nhờ hàm lượng protein dồi dào. Protein là dưỡng chất rất quan trọng mà cơ thể cần để hoạt động bình thường.
“Lượng protein cơ thể nạp hằng ngày đóng vai trò thiết yếu giúp các tế bào vận hành ở trạng thái tốt. Do đó, protein sẽ là phần không thể thiếu của chế độ ăn hằng ngày”, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Nancy Waldeck giải thích.
Protein trong cá hồi giúp cơ thể sửa chữa và cung cấp ô xy cho các tế bào, mang dưỡng chất để cơ bắp phát triển tối ưu và điều chỉnh các hoóc môn trong m.áu. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo protein nên chiếm từ 10 đến 35% lượng calo hằng ngày.
Khi nói đến hàm lượng protein thì thịt cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi có một số sự khác biệt nhỏ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một 100 gram cá hồi tự nhiên có 115 calo và 19,5 gram protein, 4,42 gram chất béo. Trong khi đó, một 100 gram cá hồi nuôi có 212 calo, 20,4 gram protein và 13,3 gram chất béo.
Chế biến cũng ảnh hưởng đến hàm lượng protein trong cá hồi. Nếu ăn tươi, chẳng hạn như món sashimi, thì lượng protein trong cá sẽ thấp hơn một chút so với cá đã nấu chín.
Điều này xảy ra là do cá còn sống thì chứa nhiều nước hơn. Trong khi đó, cá nấu chín thì lượng nước trong cá đã thoát bớt ra ngoài, nhờ đó hàm lượng protein trong cá cũng đậm đặc hơn.
Do đó, dù không chênh lệch nhiều nhưng nếu người ăn muốn tối ưu hóa hàm lượng protein trong cá hồi thì hãy ưu tiên ăn cá hồi nuôi và đã nấu chín. Ngoài ra, để tối ưu hóa sức khỏe, thịt cá hồi nên ăn kèm với các món ăn lành mạnh như rau củ, trái cây, thịt nạc và tránh các món nhiều đường, chất béo, theo Healthline.