Người đàn ông 66 tuổi được chẩn đoán dương tính với Burkholderia pseudomallei, loại vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore thường sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da. Ảnh:
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông, bệnh nhân T.V.S. (66 tuổi, sống ở huyện Cư Jút) hôm 19/4 có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây ra bệnh Whitmore.
Đây là trường hợp đầu tiên được phát hiện nhiễm khuẩn Whitmore ghi nhận trên địa bàn tỉnh này.
Cách đây hơn một năm, ông S. có khối u vùng đỉnh đầu. Sau khi đi khám nhiều nơi, ông được chẩn đoán mắc u mỡ. Khi khối u căng cứng và gây ra cơn đau tức, ông S. được người nhà đưa vào khám tại một bệnh viện tư nhân ở tỉnh Đắk Lắk.
CDC Đắk Nông phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Cư Jut giám sát, khử khuẩn tại khu vực nhà bệnh nhân. Ảnh: CDC Đắk Nông.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm xương sọ chẩm, tụ mủ dưới da đầu đỉnh chẩm và đái tháo đường type II.
Sau đó, ông được xử trí nạo xương viêm, dẫn lưu mủ vùng đỉnh chẩm. Kết quả lấy mẫu làm xét nghiệm của ông dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Sau khi ghi nhận trường hợp này, CDC địa phương đã phản hồi thông tin cho đơn vị liên quan, đồng thời tổ chức điều tra và giám sát tại cộng đồng để phòng tránh bệnh lây lan.
Theo Bộ Y tế, bệnh Whitmore là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da.
Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận năm 1925, sau đó bệnh xuất hiện tại các địa phương trong cả nước và gia tăng trong thời gian gần đây.
Whitmore còn được mệnh danh là “kẻ bắt chước đại tài” vì triệu chứng gây ra khó nhận biết. Nhiều người được chẩn đoán khi đã muộn và không thể tránh khỏi cái chết.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh này rất đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao ở các trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Whitmore gặp thường xuyên nhất ở Đông Nam Á và Bắc Australia. Bệnh cũng thấy ở Nam Thái Bình Dương, châu Phi, Ấn Độ, và Trung Đông.
Loại virus này có thể tiết ra độc chất gây loét và hoại tử các tổ chức trên cơ thể bệnh nhân. Do đó, nhiều người nhầm lẫn Whitmore với “vi khuẩn ăn thịt người” nhưng đây không phải cách gọi đúng về bệnh này.
Vì sao bệnh nhân Whitmore có tỷ lệ tử vong cao?
Nhiều bệnh nhân Whitmore được điều trị theo các chẩn đoán khác nhau trước khi phát hiện mắc loại vi khuẩn “ăn thịt người”. Ngay cả khi chẩn đoán đúng, nhiều bệnh nhân bỏ cuộc vì điều trị rất lâu, tốn kém.