Mới đây, một phụ nữ ở Anh đã tiết lộ trên Tiktok rằng mình mắc bệnh giun đũa do dùng chung cọ trang điểm với bạn bè.
Những năm trở lại đây, mạng xã hội Tiktok trở thành nơi được chia sẻ thông tin rộng rãi. Người dùng Tiktok chia sẻ thông tin ở mọi lĩnh vực, từ những kiến thức sưu tầm được đến những trải nghiệm của cá nhân. Mặc dù nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng không thể phủ nhận một điều rằng chúng có tác động rất lớn đến đại bộ phận người dùng mạng xã hội này. Trong đó, những trải nghiệm thực tế của cá nhân được chia sẻ cũng khiến mọi người phải chú ý hơn.
Mới đây, một phụ nữ ở Anh đã tiết lộ trên Tiktok rằng mình mắc bệnh giun đũa do dùng chung cọ trang điểm với bạn bè.
Làn da của Louaira Dela Cruz khi chưa nhiễm giun đũa
Trong một số video, Louaira Dela Cruz, 22 tuổi, đã ghi lại thảm họa da liễu của mình. Đó là những vết phát ban khó chịu lan rộng trên khuôn mặt của cô. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng và đang điều trị, Dela Cruz quả quyết “tôi sẽ không để bất cứ ai chạm vào cọ trang điểm hoặc mút trang điểm của mình nữa, bởi đó chính là nguyên nhân khiến tôi nhiễm giun đũa”.
Làn da của Louaira Dela Cruz sau khi nhiễm giun đũa, phát ban khắp mặt.
Giun đũa trên da thường lây lan nếu không được điều trị, như đã thấy trong trường hợp của Dela Cruz. Cô đã bị phát ban ở khắp khuôn mặt. Tuy nhiên, may mắn cho Dela Cruz, tình trạng nhiễm trùng của cô dường như đang hồi phục khá nhanh.
Câu chuyện của Dela Cruz xuất hiện sau khi một nghiên cứu gây sốc cho thấy cọ trang điểm chưa rửa có lượng vi khuẩn nhiều như ở bệ toilet được công bố.
Cọ trang điểm bẩn như thế nào?
Được thực hiện bởi thương hiệu dụng cụ mỹ phẩm Spectrum Collections, các nhà nghiên cứu đã để 2 bộ cọ trang điểm (1 bẩn, 1 sạch) tại nhiều nơi như bàn trang điểm trong phòng ngủ, trong túi trang điểm, trong túi dành riêng cho cây cọ, ngăn kéo và giá đỡ phòng tắm. Kết quả thu được sau 2 tuần cho thấy, bất kể để ở vị trí nào, cọ trang điểm có số lượng vi khuẩn nhiều bằng hoặc nhiều hơn so với thảm đặt trong nhà vệ sinh.
Kết quả từ các mẫu cho thấy tất cả các cọ trang điểm không sạch sẽ đều có dấu vết tiềm ẩn của E.Coli, nấm men và nấm mốc có thể dẫn đến nhiễm nấm, trong khi cọ trang điểm sạch có ít vi khuẩn hơn đáng kể.
Từ trái sang phải là số vi khuẩn trong thảm bồn cầu, cọ trang điểm mới, cọ được để trong hộp chuyên dụng, cọ trong túi đựng chuyên dụng, cọ trong túi xách. Ảnh: Spectrum Collections.
Nhà khoa học về mỹ phẩm Carly Musleh nói rằng, điều này chính là lý do tại sao làm sạch cọ trang điểm lại quan trọng đến vậy. “Nhiều người trong chúng ta sử dụng cọ trang điểm hàng ngày nhưng thường để vài tuần hoặc vài tháng mới làm sạch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cọ trang điểm có thể chứa các tế bào da chết, dầu và vi khuẩn từ mặt sang sản phẩm. Mặc dù không phải tất cả loại vi khuẩn đều có hại nhưng thường xuyên sử dụng cọ bẩn có thể làm tăng nguy cơ gây mất cân bằng đối với vi khuẩn khỏe mạnh và dẫn đến sự gia tăng số lượng vi khuẩn gây bệnh, gây ra mụn hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn như chốc lở hoặc nhiễm tụ cầu khuẩn (Staphylococcal)”, bà Musleh cho biết.
Bà cũng khuyến cáo: Để giảm sự tích tụ của vi khuẩn, điều quan trọng là phải làm sạch cọ trang điểm thường xuyên. Mọi người nên giặt cọ bằng chất tẩy rửa chuyên dụng hoặc dầu gội dịu nhẹ trong nước ấm, thấm khô bằng khăn sạch. Sau khi làm sạch, bạn nên để chúng ở nơi thoáng mát và làm khô bằng cách treo ngược hoặc đặt chúng nằm nghiêng.
Theo NyPost, Spectrumcollections