Gần một nửa dân số thế giới, tương đương 3,5 tỉ người, mắc các bệnh răng miệng – phần lớn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, Tổ chức Y tế thế giới cho biết hôm 18-11.
Theo WHO, 3,5 tỉ người trên thế giới mắc các bệnh răng miệng – phần lớn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình – Ảnh: GETTY
Báo cáo của WHO cho thấy cứ bốn người mắc bệnh răng miệng, có ba người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Các trường hợp mắc bệnh răng miệng trên toàn cầu đã tăng thêm 1 tỉ trong 30 năm qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhiều người không được tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa và điều trị các bệnh răng miệng, theo Hãng tin Reuters.
Các bệnh răng miệng phổ biến nhất là sâu răng, bệnh nướu răng nghiêm trọng, rụng răng và ung thư miệng. Trong đó, sâu răng không được điều trị ảnh hưởng đến gần 2,5 tỉ người.
Khoảng 380.000 ca ung thư miệng mới được chẩn đoán hằng năm, theo Hãng tin Reuters.
Cũng theo WHO, chi phí tự trả lớn và không có sẵn thiết bị nha khoa chuyên dụng cao tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu là hai trong số những lý do dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh răng miệng cao, đặc biệt là ở các nước nghèo.
“ Sức khỏe răng miệng từ lâu đã bị bỏ quên trong y tế toàn cầu, nhưng nhiều bệnh răng miệng có thể ngăn ngừa được”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Hiện nay, WHO đề xuất các quốc gia đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng công bằng vào kế hoạch quốc gia. Đồng thời tích hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng vào các mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu của họ.
Năm 2022, Đại hội đồng Y tế thế giới đã thông qua chiến lược toàn cầu về sức khỏe răng miệng, với tầm nhìn bao phủ sức khỏe răng miệng toàn cầu cho mọi cá nhân và cộng đồng vào năm 2030.
Hiện nay, một kế hoạch hành động chi tiết đang được WHO xây dựng để giúp các quốc gia biến chiến lược toàn cầu thành hiện thực.
Mắc bệnh nguy hiểm hiếm gặp, nữ tiếp viên hàng không phải c.ắt l.ưỡi
Một cô gái người Anh đang kêu gọi mọi người nhận biết các triệu chứng ung thư miệng, sau khi chính các bác sĩ cũng nhầm lẫn căn bệnh ung thư hiếm gặp của cô là vấn đề về răng.
Cô Charlotte Webster-Salter, lúc đó đang là tiếp viên hàng không, nhớ lại mình thường xuyên bị loét miệng, và nghĩ rằng do lịch trình bay bận rộn.
Cô gái 27 t.uổi này vốn không hút thuốc và tích cực tập thể dục nên không hề lo lắng, nhưng khi vết loét mãi không lành, cô quyết định đi kiểm tra, theo tờ New York Post.
Nữ tiếp viên hàng không thường có lịch trình bay khá bận rộn. Ảnh SHUTTERSTOCK
Cô mô tả các vết loét là “những mảng lớn” trong miệng, lưu ý rằng chúng bắt đầu chuyển sang màu trắng với màu đỏ xung quanh.
Các vết loét xuất hiện rồi khỏi, nhưng luôn ở cùng một vị trí. Chúng không bao giờ khỏi hoàn toàn, mà thường tái phát.
Cô đã đi khám răng, nha sĩ cho rằng vết loét có thể là do răng cọ xát vào. Họ khuyên cô đi nắn lại răng và nhổ răng khôn.
Cô đã nghe theo và đi niềng răng, nhổ răng khôn, nhưng vẫn bị loét, theo New York Post.
Cô Charlotte Webster-Salter mô tả các vết loét là “những mảng lớn” trong miệng, lưu ý rằng chúng bắt đầu chuyển sang màu trắng với màu đỏ xung quanh. Ảnh SHUTTERSTOCK
Khi các vết loét tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, cô đã đi khám và được sinh thiết khu vực này.
Cuối cùng, cô sốc tột độ khi sinh thiết cho kết quả là ung thư, bởi cô chưa hề hút thuốc và tích cực tập thể dục.
Cô đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài 9,5 giờ. Các bác sĩ đã cắt bỏ một phần lưỡi của cô. Rất may, ung thư chưa di căn.
Sau cuộc phẫu thuật, cô đã phải đặt ống mở khí quản trong một tuần để giúp thở.
Giờ đây, cô đang kêu gọi mọi người cảnh giác về sức khỏe của mình, nhắc nhở họ rằng bất cứ ai cũng có thể bị ung thư miệng.
Theo Tổ chức Ung thư miệng, tỷ lệ t.ử v.ong do ung thư miệng cao hơn các loại ung thư khác vì thường được phát hiện muộn, theo New York Post.